Lịch sử Phố cổ Thành Nam

Thành phố Nam Định có bề dày lịch sử hơn 750 năm, với sự kiện vào tháng 2 năm 1262, vua Trần Thánh Tông đã đổi hương Tức Mạc là quê hương của nhà Trần làm phủ Thiên Trường, đặt quan đứng đầu phủ (An phủ sứ) là Trần Thì Kiến, lập Hành đô Thiên Trường, xây các cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Nay đất Hành đô Tức Mạc xưa thuộc phường Lộc Vượng, một trong 20 phường của thành phố Nam Định.

Nhà Trần suy vong, tại phủ Thiên Trường nhiều người thuộc dòng họ Trần phải thay tên, đổi họ, phiêu tán đi khắp nơi, sở lỵ hành chính của Hành đô Thiên Trường cũng không còn, cung điện đền đài thành hoang phế. Nhưng dân chúng ở quanh khu vực này vẫn có cuộc sống khá sôi động. Đến nhà Lê sơ trị vì thì kho lương bên sông Vị đã trở thành quân doanh Vị Hoàng. Doanh Vị Hoàng không những là kho lương thảo mà còn là một doanh trại lớn. Sang thời Mạc, nhiều lần và thường xuyên quân nhà Mạc (Bắc triều) tập trung tại đây để chuẩn bị cho mỗi khi tiến quân đánh nhà Lê trung hưng phục dựng ở Thanh Hóa (Nam triều). Nhà Mạc thất thế chạy lên biên giới Cao Bằng, thì quân doanh Vị Hoàng lại là nơi triều đình Lê-Trịnh (Đàng Ngoài) tập trung lương thảo, vũ khí, chiến thuyền, quân lính cho những lần hành quân chinh phạt chúa Nguyễn (Đàng Trong). Do đó Thành Nam đã vượt lên trên Phố Hiến là chốn đô hội chỉ sau kinh thành Thăng Long.

Sơ đồ thành cổ Nam Định thời Pháp thuộc, khu phố cổ Thành Nam lui về hướng đông bắc.

Vua Gia Long lên ngôi, chuyển lỵ sở của trấn Sơn Nam Hạ từ Vân Sàng (nay thuộc Ninh Bình) về Vị Hoàng, cho dời quân doanh từ đất làng Vị Hoàng vào đất làng Năng Tĩnh, đến vua Minh Mạng cho xây thành gạch. Dân chúng làm ăn sinh sống quanh thành Vị Hoàng có từ thời Lê sơ ngày một thêm đông. Đời sống thị dân quanh thành Nam Định ngày một sung túc. Nhiều người làm nghề thủ công và buôn bán đến đây lập nghiệp, họ lập ra các phường nghề. Một số từ Thăng Long đi xuống, một số từ các làng nghề ở các miền quê khác tập trung đến sống quanh thành. Trên bờ sông Vị Hoàng, những người buôn bán một mặt hàng thường dựng nhà sát bên nhau thành một dãy để cùng buôn bán. Nơi bán mặt hàng nào thì được gọi là phố hàng ấy, nên các phố ven bờ sông Vị có trước.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phố cổ Thành Nam http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/201305/Cac-k... http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/thuong-nho-pho... http://vannghenamdinh.com.vn/index.php/vi/news/My-... http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://thuviennamdinh.vn/Dia-chi-Nam-Dinh/Dia-danh... http://toancanhbaochi.vn/10-mon-qua-vat-ngon-noi-t... http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/184911/10-mon-ngo... https://www.youtube.com/watch?v=2ChsQ6FM234&t=179s https://www.youtube.com/watch?v=BArGqfU_xoQ https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Thanh_...